TC Motor – Doanh nghiệp ô tô điển hình của kinh tế tư nhân

2019 09 18.04.40.36 dji 0200

Trong 20 năm phát triển, TC MOTOR đã gặt hái nhiều thành quả trong lĩnh vực sản xuất ô tô – nơi có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp FDI sừng sỏ.

Tiền thân là một công ty cơ khí thành lập năm 1999, tháng 6/2009, TC MOTOR – Khối ôtô Tập đoàn Thành Công ký kết hợp tác với Hyundai Motor, mở ra chương mới cho sự hiện diện của hãng xe Hàn Quốc tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã có tính toán và tầm nhìn dài hạn khi bước chân vào lĩnh vực ôtô. Không đơn thuần là nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), TC MOTOR đặt mục tiêu lắp ráp để có những bước tiến xa hơn trên thị trường (CKD).

Thời điểm ký kết phân phối độc quyền các dòng xe du lịch Hyundai tại Việt Nam, TC MOTOR bước đầu bán ra thị trường một số mẫu xe CBU trong khi chờ nhà máy lắp ráp đi vào hoạt động. Tháng 5/2011, khoảng 2 năm sau khi ký kết hợp tác, TC MOTOR tung ra thị trường mẫu Avante lắp ráp tại Ninh Bình.


Việc xây dựng nhà máy sản xuất ở Ninh Bình giúp TC MOTOR có thêm nhiều bước tiến mới. 

Bức tranh thị trường ôtô khi đó ghi nhận sự cạnh tranh gay gắt do Việt Nam có lượng khách hàng tiềm năng. Thông tư 20/2011/TT-BTC được đưa ra nhằm hạn chế nhập siêu ôtô, tuy nhiên bằng cách này hay cách khác, không chỉ doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể nhập khẩu lượng lớn xe con các loại. TC MOTOR bên cạnh lắp ráp xe vẫn nhập khẩu và phân phối một số dòng xe có doanh số cao như Grand i10, để tích luỹ nền tảng cho những cú bung sức sau này.

Cuối năm 2014, TC MOTOR ra mắt mẫu xe Santa Fe láp ráp trong nước, tham chiến ở phân khúc nhiều cạnh tranh tại Việt Nam. Thế nhưng, dòng xe lắp ráp để lại dấu ấn lớn nhất cho doanh nghiệp ôtô Việt Nam là Hyundai Grand i10.

Xe nhập khẩu nguồn gốc Ấn Độ vào Việt Nam giảm lượng lớn ngay sau khi TC MOTOR chuyển Grand i10 sang lắp ráp trong nước từ giữa năm 2017. Thiết kế bắt mắt, nhiều trang bị và có giá hợp lý, Grand i10 có thể coi là “gà đẻ trứng vàng” cho TC MOTOR. Chiếc hatchback cỡ nhỏ liên tiếp đứng đầu về doanh số trong phân khúc và nằm ở nhóm xe bán chạy nhất thị trường. Năm 2017, TC MOTOR đạt doanh số khoảng 30.000 xe thì hơn một nửa trong số đó là Grand i10.

Năm 2017 cũng là thời điểm thị trường xe có nhiều thay đổi từ các hãng. Các doanh nghiệp FDI rục rịch kế hoạch chuyển nhiều dòng xe lắp ráp tại Việt Nam sang nhập khẩu để hưởng lợi từ Hiệp định thương mại AFTA. Năm 2018, nhiều dòng xe nhập khẩu nội khối ASEAN sẽ hưởng thuế 0% theo thoả thuận thương mại giữa các nước.

Trong bối cảnh đó, TC MOTOR tích cực cải tiến các dòng xe đang bán, đưa thêm sản phẩm mới ra thị trường. Toàn bộ xe du lịch đều lắp ráp tại nhà máy Ninh Bình. Doanh nghiệp không chạy theo cái lợi trước mắt, mà còn mở rộng nhà máy nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Động thái của Hyundai còn cho thấy quyết tâm đóng góp cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hoá trên từng sản phẩm.

Sau 10 năm hợp tác với Tập đoàn Hyundai, TC MOTOR hiện là một trong 3 doanh nghiệp đứng đầu thị trường ôtô Việt Nam. Những cải tiến trên từng sản phẩm nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của người dùng, giúp thương hiệu ôtô Hàn Quốc được người dùng Việt đón nhận.

Những định kiến về xe Hàn, xe Nhật trước đây dường như không còn đúng với các sản phẩm của TC MOTOR. Ở phân khúc giá rẻ cỡ A, Grand i10 là ông vua doanh số bất chấp sự cạnh tranh của các đối thủ xe Nhật Bản nhập khẩu nguyên chiếc.

Ở phân khúc sedan cỡ B, Accent cũng có doanh số tăng trưởng trong nhiều tháng liên tiếp, kể từ khi lắp ráp phiên bản mới hồi tháng 4 năm ngoái. Thậm chí, 7 tháng đầu năm nay, Accent còn bán nhiều hơn Grand i10, góp phần lớn cho doanh số tổng của TC MOTOR.

Chiến lược phát triển bền vững cùng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, giúp TC MOTOR gặt hái kết quả tốt năm 2018. Khi nhiều hãng xe ảnh hưởng bởi quy định mới về nhập khẩu xe, thị trường đi xuống, TC MOTOR lại ngược dòng, tăng trưởng hơn 100%. Có những thời điểm, nhà máy sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường dù vận hành hết công suất. Khách hàng cũng đặt niềm tin lớn với chất lượng sản phẩm, sẵn sàng chấp nhận đợi 2-3 tháng mới nhận xe. Điều này cho thấy chiến lược đúng đắn của TC MOTOR đã tạo nên sự tin cậy của khách hàng.

Trong khi nhiều doanh nghiệp FDI đẩy mạnh nhập khẩu để hưởng lợi từ chính sách thuế trong khu vực, TC MOTOR làm ngược lại: Đẩy mạnh lắp ráp, mở rộng nhà máy. Thị phần của công ty vượt qua nhiều hãng xe nước ngoài. Hiện TC MOTOR nằm trong top 2 doanh nghiệp Việt chiếm phần lớn thị phần ôtô trong nước.

Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, năm 2017, Chính phủ sẽ xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực, có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực.Thành công hiện tại của TC MOTOR là minh chứng rõ nét cho sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân, mở ra những hy vọng cho ngành công nghiệp ôtô trong nước. Khi sản xuất trong nước phát triển, ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ dần cải thiện, hướng tới mục tiêu các doanh nghiệp ôtô tư nhân có thể xuất khẩu ngược ra nước ngoài.

Hiện tại, kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng, trong đó doanh nghiệp tư nhân góp khoảng 10%, còn lại là kinh tế hộ. Là doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp ôtô, TC MOTOR đã có những đóng góp nhất định cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Để thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân trong sản xuất ôtô, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125. Nội dung quan trọng của Nghị định là dần giảm thuế nhập khẩu một số loại linh kiện ôtô, không thể sản xuất trong nước, xuống 0% trong vòng 5 năm, nhưng có kèm điều kiện.

Dù vậy, với doanh số xe như hiện tại, TC MOTOR hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0%. Từ đó, giá thành sản xuất một chiếc xe sẽ giảm đi đáng kể, mang lại lợi ích cho người dùng, đồng thời gia tăng cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực.

Tại khu vực ASEAN, Hyundai hiện chỉ có một nhà máy tại Indonesia. Do đó, TC MOTOR hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xuất khẩu một số dòng xe sang nhiều quốc gia trong khối. Khi tỷ lệ nội địa hoá của các dòng xe bán chạy như Grand i10, Accent đạt mức 40%, TC MOTOR có thể xuất khẩu xe sang các nước ASEAN hưởng thuế suất 0%, theo Hiệp định AFTA.

Để chuẩn bị cho những dự định xa hơn, Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor Hàn Quốc đã đạt thêm nhiều thoả thuận để TC MOTOR có thể nâng cao khả năng sản xuất, tiến tới xuất khẩu không chỉ xe du lịch, mà cả các loại xe thương mại khác. Trong khi đó, bản thân TC MOTOR cũng đã có nhiều kế hoạch mở rộng nhà máy tại Ninh Bình và một số địa phương khác.

Với những chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản trong xu thế hội nhập, nhiều khả năng TC MOTOR sẽ sớm trở thành doanh nghiệp ôtô có đủ khả năng xuất khẩu xe. Sau 20 năm hình thành và phát triển, TC MOTOR đã có những bước đi vững chắc, có vị thế trên thị trường. Những kế hoạch dài hơi của TC MOTOR, cùng các doanh nghiệp tư nhân khác trong ngành sẽ góp phần đưa ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đi lên trong những năm tới.

Nguồn: TC MOTOR

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *